Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Những hàng quán gợi nhớ thời bao cấp

Nhắc đến thời bao cấp, người ta thường liên tưởng đến cái đói, cái khổ. Có người muốn quên đi quá khứ ấy. Nhưng cũng có người muốn nhớ lại thời khó khăn như một kỷ niệm đẹp. Những không gian bao cấp được tái hiện giữa lòng Hà Nội chính là nơi để thế hệ sau tìm hiểu xem ông bà, cha mẹ đã trải qua một thời thế nào.

1. Bao Cấp Café

Nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Giảng Võ, đúng như tên gọi của nó, Bao Cấp Café gợi một cảm giác giản dị, khiêm nhường và cổ xưa.

Với diện tích không quá lớn, từng góc quán được trang trí bằng những vật dụng đơn giản. Không gian hai tầng tái hiện hình ảnh một căn hộ tập thể đúng chuẩn của thời bao cấp.

“Quầy mậu dịch” gợi nhớ thời bao cấp

Những món đồ như bộ bàn ghế gỗ thô, chiếc gối làm bằng vỏ “chăn con công” đặc trưng, tivi đen trắng… gợi lên rất nhiều nỗi xao xuyến về một thời đã xa.

Ngay từ những đồ trang trí nhỏ nhất cũng được chủ quán chuẩn bị cẩn thận

Quán trang trí chủ yếu theo tông vàng nhạt pha trắng, kết hợp với màu nâu gỗ tạo nên nét trầm lắng đọng.

Tầng hai của quán còn thú vị hơn khi tái hiện khá nhiều các vật dụng, khung cảnh gắn với thời bao cấp. Vì tầng hai là chỗ ngồi bệt nên những ai tìm kiếm sự thoải mái thường lựa chọn không gian này.

2. Căng- tin 109

Quán nằm trong ngõ Phương Liên, không gần nơi tụ tập, vui chơi của giới trẻ, nhưng lúc nào trong quán cũng đầy ắp những người trẻ tuổi ghé thăm.

Trước quán có bảng gỗ đề chữ to rõ “Căng tin một linh chín”.

Đến tối, con ngõ nhỏ bên cạnh cũng chật kín khách hàng

Quán nhỏ nhưng nhiều ánh sáng, nền tường vàng lốm đốm rêu xanh, mái lợp tôn, cửa sơn xanh lá. Nơi đây có thể được xem là thiên đường tuổi thơ của thế hệ 8x.

Chủ của Căng-tin 109 là những bạn trẻ, họ chia sẻ “Vì khao khát muốn có một quán cà phê riêng theo phong cách bao cấp, bọn mình đi nhiều nơi học hỏi, kết hợp với sự tìm hiểu từ những người lớn tuổi”.

Những cuốn sách của tuổi thơ

Đến với quán, thực khách sẽ được thưởng thức lại các món ăn vặt như mì tôm, ô mai hoa đào, cầm trên tay những cuốn truyện Dấu ấn rồng thiêng, 7 viên ngọc rồng, Siêu quậy Tep-pi... đã nhàu nhĩ nhưng gợi nhớ một trời kỷ niệm.

3. Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37

Xếp hàng và mua tem phiếu, những chuyện tưởng như chỉ còn tìm thấy qua phim ảnh, nhưng đến với Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đó đúng như cách đây 30,40 năm.

Nhiều khách hàng tìm đến với quán không chỉ để được ăn cơm độn ngô, được xếp hàng theo tem phiếu… mà còn đến để nhớ về một thời đã qua.

Quán nằm trên một con phố nhỏ ven hồ Trúc Bạch. Không dễ tìm nếu bạn lần đầu tìm đến quán bởi biển hiệu được đặt khá khuất. Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất, có lẽ nằm ở chiếc Simpson được đặt trước cửa.

Quán được trang trí đơn giản với nhiều kỷ vật độc đáo. Gần như toàn bộ đồ dùng nơi đây đều là những vật dụng thời bao cấp như bát sắt, bình tong, ca đựng nước tráng men.

Chiếc cân được đặt ngay cửa ra vào

Thực khách có thể vừa ăn, vừa ngắm những cổ vật được trưng bày

Không gian quán được điểm xuyết bằng một chiếc quạt tai voi, một bộ dàn âm thanh cổ, chiếc xe đạp thống nhất, những bộ tem phiếu mua hàng, những chiếc sổ gạo, một hòn gạch ghi danh để chiếm chỗ… cùng một bộ ảnh đặc biệt về những năm tháng Hà Nội xưa. Theo chủ cửa hàng, những bức ảnh này là do một người bạn đã mua lại bản quyền từ một nhiếp ảnh gia người Thụy Điển rồi tặng cho anh.

Thực đơn cửa hàng được thiết kế giống quyển sổ mua lương thực thời bao cấp, bên ngoài ghi "Sổ đăng ký mua lương thực". Ngay cả những món ăn cũng có thể khiến thực khách là thế hệ đi trước xúc động khi đọc tên như cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ...

Sổ mua lương thực, thực phẩm

Đa số khách hàng đến đây đều tỏ ra thích thú khi ngồi ăn trên những chiếc bàn thiết kế từ chân máy khâu cũ, bát ăn làm bằng sắt tráng men, dòng chữ nhắc nhở "ưu tiên thương binh", "cấm chen ngang"...

Tất cả như gợi lại, đánh thức miền hoài niệm tưởng như đã ngủ yên trong lòng những người đang sống qua một thời gian khó, nhọc nhằn của đất nước.

4. Cửa hàng mậu dịch 46

Mỗi ngày, quán ăn này có tới hàng trăm thực khách. Họ đến với quán không chỉ để ăn uống mà còn muốn được một lần sống trong thời bao cấp. Thậm chí, nhiều người còn ví nơi đây như “bảo tàng mini” về thời bao cấp giữa phố thị Hà thành hiện đại.

Không gian ở đây rộng rãi, thoải mái, đối lập với sự chật hẹp quen thuộc của thời bao cấp. Nhưng chủ của hàng biết cách kết hợp ánh sáng, trang trí nên khách hàng đến đây vẫn có cảm giác như được quay ngược thời gian.

Khắp nơi đều tái hiện những kỉ vật của thời bao cấp

Ở đây, bạn cũng sẽ tìm thấy chiếc bóng đèn cổ treo lủng lẳng ở trần nhà, chiếc xe Simson lẫy lừng một thời, những tờ tem phiếu, sổ mua lương thực, những dòng khẩu hiệu quen thuộc. Những vật dụng có đóng dấu "HTX" tuy trông đơn giản nhưng lại rất đặc biệt, thu hút nhiều người muốn tìm về thời quá khứ.

“Dàn” xe Cup và Simpson

“Máy nước công cộng cấm chen lấn”

Bước xuống một cầu thang nhỏ hẹp, khách hàng sẽ thực sự ngạc nhiên, xen lẫn thích thú với sự hiện diện của những món đồ được dày công sưu tầm.

“Căn hầm” nhỏ đưa thực khách đi ngược thời gian

Tem phiếu, tranh cổ động được trưng bày khắp nơi

5. Mậu Dịch 81

Nằm ngay cạnh một đầm sen nhỏ ven hồ Tây (Hà Nội), cửa hàng Ăn uống Mậu Dịch là nhà hàng có khoảng sân vườn rộng với nhiều cây xanh. Quán có thiết kế gợi nhớ về thời bao cấp với những câu khẩu hiệu, đồ trang trí của một thời nhiều kỷ niệm của người Hà Nội.

Bên trong không gian xưa cũ, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn từng quen thuộc một thời như cơm cháy, bánh đúc chấm tương, dưa xào tóp mỡ bày biện trên những chiếc bát đĩa kiểu cũ. Dù vậy, trong thực đơn cũng có thêm hàng chục món ngon được nhiều người yêu thích gần đây như nộm sứa, lợn mán nướng, ngỗng bảy món, cá trình… hay các loại lẩu thích hợp cho mùa đông.

Đặc biệt, nhiều người tìm đến quán này bị hấp dẫn bởi món lẩu riêu cua đặc biệt.

Điều nhận được nhiều lời xuýt xoa không kém nữa chính là không gian ngoài trời đẹp đến khó mà cảm thán được ở đây.

Bức tường vàng đặc trưng của những ngôi nhà ngày xưa, hàng ghế ven hồ, một khoảng sân đầy nắng và gió... Tất cả thật lý tưởng để vừa nhâm nhi cơm cháy chấm mắm tép, bánh đúc chấm tương, dưa xào tóp mỡ, vừa lắng nghe tiếng gió xào xạc qua khóm tre trúc hay mơ màng theo màu vàng rực của các giỏ hoa cúc.

Bài và ành: Hoàng Ngọc



from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/2cy5JLm
via IFTTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét