Đây có thể nói là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành du lịch nước ta lần đầu tiên được tổ chức do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng với hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh, thành trong cả nước.
Lần đầu tiên Chính phủ tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” về ngành du lịch
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - ông Nguyễn Ngọc Thiện - cho biết: Thời gian qua, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ 2015, phục vụ 38,2 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Về tổng thu du lịch và đóng góp vào GDP; năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của WTTC, năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tổng đóng góp, bao gồm đóng góp trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa đạt 13,9% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch VN xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp so với GDP), du lịch VN xếp hạng 55 trên thế giới.
Lãnh đạo các địa phương và ngành du lịch phát biểu tại hội nghị
Năm 2015, ngành du lịch VN tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Ngoài các kết quả trên, số lượng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 11%/năm. Tổng cơ sở lưu trú hơn 20.100 cơ sở với 400.000 buồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 9%/năm cả về cơ sở lưu trú và số buồng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2015, số lượng các khách sạn từ 3-5 sao tăng cao hơn mức trung bình chung (tăng 16% đối với khách sạn 5 sao, 14% đối với khách sạn 4 sao và 13% đối với khách sạn 3 sao). Đến tháng 5/2016, cả nước có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ngành du lịch thời gian qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương. Thông qua phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước, con người VN trên trường quốc tế. Du lịch cũng góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm quan trọng đối với du lịch VN như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Bình và một số địa bàn khác với các dự án có quy mô lớn, tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều hạn chế, yếu kém nội tại của ngành du lịch, nhất là hạn chế, yếu kém trong xúc tiến, quảng bá và nguồn lực. Việc thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực; công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng, chất lượng; một số giá trị văn hóa, lịch sử, nhất là lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc chưa được khai thác hiệu quả phục vụ phát triển du lịch; định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, dựa vào cộng đồng chưa thể hiện rõ…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung - cho rằng chiến lược xúc tiến du lịch hiện nay chưa phù hợp, nhiều địa phương xúc tiến du lịch nhưng không xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với những thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu.
Còn Chủ tịch TPHCM – ông Nguyễn Thành Phong - đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian miễn visa cho một số thị trường khách châu Âu trọng điểm.
Về nguồn lực đầu tư cho du lịch, nhiều DN du lịch kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi từ thuế, đất đai đến ưu tiên nguồn ngân sách, vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng chung phục vụ du lịch như đường cao tốc, sân bay, hạ tầng văn hóa…
Một số địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh như Lào Cai, Quảng Nam, Đà Nẵng… cũng đã đề xuất với Chính phủ một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất với Chính phủ nhiều ý kiến quan trọng để hoàn chỉnh cơ chế, chính sách nhằm thu hút du khách hơn nữa đến với VN.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Tôi rất ấn tượng khi tất cả đều có tâm huyết phát triển kinh tế du lịch thành ngành mũi nhọn của đất nước. Thủ tướng khẳng định VN chưa có phố đèn đỏ; VN không phát triển casino tràn lan; phải có quy hoạch, quản lý một số địa điểm chứ không phải tràn lan.
Thủ tướng cho hay, Quốc hội đã thông qua bộ máy của Chính phủ nên chưa thành lập Bộ Du lịch, trước mắt địa phương nào thực sự du lịch là kinh tế mũi nhọn thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho thành lập Sở Du lịch địa phương.
Về vấn đề cảnh sát du lịch, Thủ tướng cho hay Bộ Công an đã có dự án sẽ trình lên Chính phủ xem xét. Hộ chiếu, Visa điện tử đã làm nhưng chưa nhanh, trước mắt đã cấp 200 tỷ cho Bộ Công An làm Visa điện tử.
Đánh giá về du lịch VN, Thủ tướng cho hay mặc dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ nhưng nghiêm túc nhận thức rằng chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức du lịch VN với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều tồn tại cần sớm khắc phục không để ảnh hưởng đến văn hóa của dân tộc; dư địa phát triển du lịch cua Việt Nam còn rất lớn nếu chung ta đồng sức, đồng lòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kết luận và gợi ý gần 20 “đầu bài” để du lịch VN thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian đến và ngành kinh tế này sẽ chiếm từ 10-12% GDP; trong đó phấn đấu đến năm 2020 khách quốc tế đến VN đạt 15 triệu lượt, khách nội địa đạt 75 triệu lượt mỗi năm.
“Nhiệm vụ phát triển du lịch VN những năm tới rất nặng nề, các đồng chí cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn nữa để đưa d lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của VN”, Thủ tướng phát biểu.
Công Bính
from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/2aZekDO
via IFTTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét