Một góc vịnh Côn Sơn. Ảnh: XUÂN LỘC.
Khi cái nắng vừa tắt đi, mất dần sau ngọn núi Thánh Giá, những vệt mây màu hồng bảng lãng trôi nhẹ nhàng cũng là lúc thị trấn Côn Sơn dần lên đèn rực rỡ. Du khách lúc này cũng thưa dần, người dân tắm biển cũng về với gia đình để quây quần, những ngư dân bắt đầu neo đậu thuyền, tàu vào thành cầu cảng, xe cộ không còn đông nữa, tất cả như chìm vào một không gian khác, đó là sự tĩnh lặng, bình yên, một hòn đảo đang tự “hưởng thụ” sau một ngày dài vất vả.
Côn Đảo nằm cách đất liền 180km đường biển, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi nổi danh trong lịch sử Việt Nam gắn liền với các địa danh Nhà tù Côn Đảo, Chuồng Cọp, nghĩa trang Hàng Dương,…Côn Đảo ngày nay không chỉ nổi tiếng với lịch sử hào hùng, văn hóa tâm linh mà còn là nơi nghỉ dưỡng, tham quan và khám phá lý tưởng với nhiều danh thắng cảnh đẹp, hệ sinh thái động thực vật phong phú,…thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Trong chuyến tham quan vùng đất hào hùng này, chúng tôi có dịp ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp về đêm của một thị trấn, một Côn Đảo khác lạ với những góc phố yên tĩnh, bãi biển huyền ảo, cầu tàu thơ mộng hay nơi chùa Núi Một tĩnh lặng trong tiếng chuông chùa, tiếng kinh của sư thầy ngân vang.
Canh đồng hồ khoảng chừng 17h chiều – 19 tối, chúng tôi dạo quanh một vòng tuyến đường Tôn Đức Thắng, cầu tàu 914, cầu cảng neo thuyền,…để cảm nhận dư vị cuộc sống người dân đảo nơi này. Trong khoảng thời gian ấy, người dân đảo tập trung nơi đây khá đông để tắm biển chiều, các em nhỏ tập bơi, những bác lớn tuổi chỉ ngồi thành đường mà ngắm biển, trò chuyện cho hết buổi. Nhìn cảnh tượng này ai cũng muốn có một cuộc sống như thế, vừa nhẹ nhàng, vui vẻ trong không khí hưởng thụ cuộc sống.
Thỉnh thoảng có vài du khách lẻ đi xe máy, đoàn du khách đến thắp hương cầu nguyện cho 914 người con đảo đã ngã xuống vì phải xây dựng cầu tàu 914 dưới thời thực dân đế quốc. Rồi cũng dạo bước tham quan ngắm cảnh trên cầu tàu, cảm nhận một bên đường khá đông vui nhộn nhịp, bên còn lại phía bãi An Hải tập trung nhà nghỉ, nhà hàng khá yên ắng, vắng người.
Các em nhỏ tắm biển, đạp xe dạo phố. Ảnh: XUÂN LỘC.
Những thanh niên trai tráng có thú vui câu cá, đèo hai chở ba với cầu câu, mồi thức ăn cho cá lao vùn vụt ra cây cầu cảng dành neo đậu thuyền bè để văng cần kiếm cá, thỏa thú vui tao nhã của một buổi chiều đến. Có anh ngồi lại câu khá lâu, có khi tận 9-10 tối mới chịu ra về. Trên thành cầu, dăm ba bác ngư dân lắc lư “ngà ngà” men rượu tâm sự, bàn đủ chuyện đời từ kiếm cơm cho đến vấn đề thời sự, cuộc sống người dân,…
Khu vực này đông vui, nhộn nhịp kéo theo các cô chú bán hàng rong: những quầy chè, xe đẩy cá viên, tiếng leng keng của xe “cà rem” (bán kem), xe bán nước ướp lạnh,…bán ngay cho dân và du khách khi vừa tắm biển lên hay chỉ dạo quanh khu vực ấy.
Đông vui là vậy, nhộn nhịp là thế, vậy mà chỉ chốc lát ai nấy cũng nhanh chóng ra về, người dân tranh thủ bữa cơm tối, du khách cũng kịp về nhà nghỉ, khách sạn “gội rửa” sau một ngày vui chơi mệt nhọc, các quầy hàng rong có ngồi cũng chả bán được ai nữa nên cũng dần dần đẩy về cả. Cả khu vực lúc này chỉ lát đát một vài du khách tham quan, người dân ngồi ven đường hóng gió hay văng vẳng tiếng nhạc Trịnh từ quán cà phê Côn Sơn mà thôi.
Trời càng về tối, cả thị trấn chỉ còn dăm ba chiếc xe máy nổ chạy vòng quanh các con phố, đường xá giờ khá vắng vẻ, yên tĩnh ngay cả khi tôi xách chiếc máy ảnh và cái chân máy ra phơi sáng giữa đường phố một hồi lâu cũng chả có chiếc nào chạy ngang qua.
Chợ đêm Côn Đảo, mang tiếng là chợ, nhưng chỉ là các quầy hàng ăn uống tập trung đông hai bên đường phố, đa phần là bán món ăn đêm, đặc sản làm quà thì không bán ở đây. Ở cái đất đảo xa xôi này, một điều làm tôi nhớ mãi câu của chú Dũng, chủ nhà nghỉ nơi tôi dừng chân: “Côn Đảo bán hàng khuya nhất chỉ có đồ cúng thôi!”. Qủa thật đúng là vậy, từ chợ cho đến con đường ra nghĩa trang Hàng Dương, rất nhiều quầy hàng bán đồ cúng để du khách, người dân đi viếng mộ, cúng lễ và dâng hương các anh hùng liệt sĩ ở Hàng Dương.
Trái với suy nghĩ “chả hiểu biết” của tôi: “đi nghĩa trang thắp hương ban ngày cho bớt sợ”, nhưng sự thật thì ngược lại, người dân lẫn du khách thường viếng mộ chị Sáu hay thắp hương các liệt sỹ vào buổi tối, càng khuya càng đông, chừng 12h khuya là đông nghịt người viếng, vì họ cho rằng giờ này linh thiêng. Dù khá đông người, nhưng khung cảnh cứ tối om, khói hương mù mịt, mờ ảo trong sương sớm pha lẫn tiếng côn trùng kêu rả rít, đêm xuống lành lạnh khiến tôi cảm thấy “ ngờ ngợ” và nổi cả “da gà”.
Ai đến Côn Đảo hầu như cũng đều ghé qua chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tham quan cầu nguyện, nhưng ít ai đến nơi này trong đêm cả. Lần thứ 3 đến chùa là vào một buổi tối tầm 19h30, tôi rất ấn tượng với nơi này. Buổi tối khá vắng vẻ, chỉ một vài dân địa phương “cuốc bộ” hơn hai trăm bậc thang dốc núi đến thắp hương, nghe sư thầy giảng kinh. Từ đỉnh chùa, nhìn về thị trấn Côn Sơn lung linh, huyền ảo với ánh đèn điện, vịnh Côn Sơn thấp thoáng vài ánh sáng tàu thuyền, trong khi hồ An Hải lên đèn rất đẹp, thấy cả từng đóa sen đang hấp thụ tinh hoa của trời đất chuẩn bị bung thở vào sáng mai.
Mới đến Côn Đảo lần đầu mà đã trót yêu vẻ đẹp của nơi này, từ phong cảnh, con người đến sự bình dị của nó. Và sự bình dị ấy sẽ đẹp mãi nếu những khoảnh khắc này được lưu giữ qua các bức ảnh về một vùng đất giàu lịch sử.
Đường Tôn Đức Thắng lên đèn rực rỡ. Ảnh: XUÂN LỘC.
Một nhà hàng tại bãi An Hải, với khung cảnh đêm thật lãng mạn. Ảnh: XUÂN LỘC.
Bài, ảnh: Xuân Lộc
from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/2auxPnZ
via IFTTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét