Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Về Tiền Giang thăm đình cổ Mỹ Lương

Đến đây, du khách không chỉ ngắm nhìn vườn cây trái xum xuê, chợ nổi độc đáo trên sông và không thể bỏ qua những công trình nhà cổ, đặc biệt là đình cổ Mỹ Lương với kiến trúc độc đáo, các hiện vật rất độc đáo. Đặc biệt, đình còn có tranh tường, tranh gỗ từ lâu đời được bà con nơi đây gìn giữ được xem là “độc nhất vô nhị” ở vùng đất này.

Độc đáo kiến trúc đình cổ Mỹ Lương

Theo các tài liệu cũ, năm 1836 tên đình Mỹ Lương được ghi trong sổ bộ đất triều Nguyễn nên ngôi đình đã được thành lập trước đó (khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19). Ngôi đình có quy mô xây dựng lớn, với diện tích 790, 875 m2 gồm: Võ ca, Võ quy và Chánh điện (chánh tẩm), thờ thần hoàng Bổn cảnh (thờ chính) và những vị Tiền hiền và Hậu hiền đã có nhiều đóng góp cho vùng đất Mỹ Lương. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý giá, được chạm trổ công phu có niên đại từ thế kỷ 18 – 19. Đáng chú ý còn có các bức tranh tường và tranh gỗ được chế tác vào đầu thế kỷ 20 rất có giá trị.

Cổng đình cổ kính

Mặt trước ảnh hưởng kiến trúc Pháp

Trước năm 1975, đình Mỹ Lương còn là cơ sở cách mạng của địa phương. Hiện trong đình còn giữ một bàn thờ thần, mà bên trong là một hầm bí mật của xã suốt từ năm 1965 đến năm 1975.

Theo nhiều cụ cao niên trong vùng, đình Mỹ Lương có từ rất lâu đời và được tôn tạo đầu tiên năm 1926. Trong đình có tấm bảng bằng chữ Hán - Nôm ghi lại tên các mạnh thường quân đã đóng góp để xây dựng vào năm 1926.

Phía noài đình là những bức tranh trên tường rất độc đáo

Đình Mỹ Lương có cửa chính hướng ra kênh Cái Cối, cổng đình được làm bằng xi măng, phía trước là hàng cột to bằng cũng xi măng theo lối kiến trúc Pháp thời xưa. Tuy nhiên, bên trong là cột gỗ và nhiều hiện vật bằng gỗ rất quý hiếm được chạm khắc công phu. Điều đặc biệt, những bức tranh tường phía ngoài và tranh gỗ phía trong rất độc đáo. Những bức tranh vẽ hình con vật, khung cảnh thiên nhiên theo nhiều người dân để khắc họa vùng đất Mỹ Lương thời xa xưa.

Bức họa trên gỗ gần 100 năm ở đình Mỹ Lương

Ông Nguyễn Văn Paul, là từ đình (người trông nom, cai quản đình – PV) cho biết: “Năm nay tôi 65 tuổi nhưng chỉ nghe ông bà kể lại đình này có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, hiện tại trong đình còn tấm bảng đá và cây cột gỗ khắc năm 1926 theo nhiều người là thời điểm trùng tu đình lần đầu tiên. Hàng năm, đình sẽ tổ chức cúng 3 lần vào ngày 15, 16 tháng 3; 15, 16 tháng 11 (âm lịch) và ngày 27/7 (dương lịch). Đồng thời cứ 3 năm sẽ rước đoàn hát bội về đây biểu diễn 1 lần thu hút rất nhiều người đến xem”.

Những bức họa trên gỗ được phục dựng lại

Tháng 11/2011 bộ văn hóa thể thao và du lịch đã ký Quyết định số 3528/QĐ-BVHTTDL, công nhận Đình Mỹ Lương là "di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia". Sau đó, đình Mỹ Lương được đầu tư trùng tu với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Hiện tại, một số hạng mục đã được phục dựng lại nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Các hiện vật, cột gỗ, công trình chạm khắc độc đáo tại đình Mỹ Lương

Ông Paul đã 10 năm ltrông nom, bảo quản đình Mỹ Lương

Sau khi hoàn thành việc trùng tu, đình Mỹ Lương sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch thích khám phá những công trình cỗ. Đồng thời, sẽ lưa giữ những nét văn hóa độc đáo của cha ông khi mở mang, khai phá cùng đất này.

Minh Giang



from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/29EBpdd
via IFTTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét