Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Công nghiệp tình dục Thái Lan: Từ lạc thú đến khổ đau

Kobkarn Wattanavrangkul, nữ Bộ trưởng đầu tiên của ngành du lịch Thái tuyên bố sẽ đẩy lùi hình thức du lịch tình dục nhằm xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ và bóc lột tình dục. “Chúng tôi muốn du lịch Thái Lan có chất lượng. Công nghiệp tình dục cần phải được xóa bỏ. Du khách không đến Thái Lan để mua vui. Họ đến đây vì một nền văn hóa tươi đẹp”, Kobkarn nói. Mục tiêu này là một trong những nỗ lực đưa Thái Lan trở thành điểm đến sang trọng, thu hút du khách giàu có trên thế giới. Bà Kobkarn quyết tâm làm sạch hình ảnh du lịch của Thái Lan ngay sau khi nhập chức vào năm 2014.

Nhà hàng Cabbages & Condom mọc lên khắp nơi

Nhà hàng Cabbages & Condom mọc lên khắp nơi

Dự tính phi thực tế?

Các nhà chứa mọc lên tại Thái Lan từ năm 1960, khi đất nước này trở thành chốn ăn chơi của lính Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Theo báo cáo năm 2014 của UNAIDS - Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, có khoảng 123.530 lao động tình dục ở Thái Lan. Tính toán của 2 chuyên gia kinh tế người Mỹ vào năm 1998 cho thấy, mỗi năm ngành du lịch mang lại 4 tỉ USD cho Thái Lan. Tuy nhiên, hai chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi ngành du lịch Thái Lan càng phát triển thì trọng tâm của nó càng lệch vào du lịch tình dục.

Do đó, các chuyên gia nói rằng việc xoá bỏ hoàn toàn ngành mại dâm tại Thái Lan là rất khó khăn, bởi vì nó đã bám rễ quá sâu vào guồng máy kinh tế. Thậm chí, nhiều tờ báo tại Thái Lan đánh giá mục tiêu của bà Kobkarn là phi thực tế. Ước tính, du lịch đóng góp 10% GDP của Thái Lan và loại bỏ hoàn toàn ngành công nghiệp mại dâm chắn chắn sẽ khiến ngành du lịch của Thái Lan chao đảo. Nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ giảm từ 2,5% trong năm 2015 xuống còn 2% trong năm nay, mức dự báo tăng trưởng ảm đạm nhất khu vực.

Năm 2004, chúng tôi đến Thái Lan trong khóa học của Quỹ Tưởng niệm Đông Dương (IMMF) về ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh ADIS. Khóa học dành cho học viên các nước Đông Nam Á. Tại Bangkok, chúng tôi gặp “vua condom” Thái Lan là Nghị sĩ Mechai Viravaidya tại nhà hàng Cabbages & Condom (cải bắp và bao cao su). Khắp nhà hàng chỗ nào cũng trưng bày đủ loại condom đầy màu sắc như một bảo tàng sống động về một dụng cụ tránh thai đã có tới 3.000 năm lịch sử của loài người...

“Không thể ngăn những chàng trai đến với những cô gái. Vấn đề là làm sao họ đến với nhau một cách an toàn”, ông Mechai mỉm cười nói. Những nhà hàng Cabbages & Condom mọc lên khắp nơi là hình thức cổ động và giáo dục thanh niên Thái Lan không e ngại sử dụng các biện pháp tự bảo vệ mình và cộng đồng. Thời điểm đó, Thái Lan có 700.000 người nhiễm AIDS và dịch bệnh này trở thành đại họa của Thái Lan.

Mới đây, Thái Lan được ca ngợi là “một thế hệ mới không HIV” khi tỷ lệ phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mà Thái Lan đạt được có thể xem là ngang với các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu. Tất nhiên, trong cuộc chiến này, có phần góp sức không nhỏ của những nhà hàng Cabbages & Condom hay ông Mechai... Thế nhưng, nỗ lực này chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Và câu chuyện của Việt Nam

Trong năm 2004, tôi may mắn là một trong những học viên đầu tiên của Việt Nam khởi đầu khóa học về tuyên truyền dịch lây nhiễm từ những khu đèn đỏ. Thầy giáo người Mỹ Jeff Hodson đưa các học viên tới Patpong để thực địa và phỏng vấn khi trời đã nhá nhem tối.

Hàng trăm cô gái Go Go Girl trên người gần như chỉ còn bộ đồ lót, tràn ra đường mời chào khách. Cả một con đường tràn ngập những quán bar, tiệm massage, kaoraoke, sàn nhảy... Tất cả ngập ngụa trong khói thuốc, rượu bia, nhạc mạnh, những màn múa gợi dục khiến cho người ta có cảm giác rằng bản năng và thú tính được tự do ở đây.

Nhưng bất ngờ, người trợ lý cho khóa học là Jom, một giảng viên địa phương, giải thích: “Đây là khu ăn chơi mở ra để phục vụ khách du lịch nước ngoài, không có người bản địa. Bởi vì, người bản địa lai vãng ở đây nếu bị phát hiện sẽ bị người thân và láng giềng khinh bỉ”. Những gì Jom giải thích là một mâu thuẫn khó giải thích khi Thái Lan, một đất nước của Phật giáo, lại đầy rẫy những chốn ăn chơi khét tiếng như Patpong, Nana Plaza và Soi cowboy...

Chúng tôi di chuyển lên Chiangmai, phía Bắc Thái Lan, trong đầu vẫn thắc mắc về mâu thuẫn này. Chiangmai vẫn là những quán bar mọc lên ở khắp nơi. Trong quán vẫn vô số phụ nữ đứng khoe thân, trên người đánh số cẩn thận để khách hàng gọi mua vui. Có một đám đàn ông cũng từ Việt Nam đang sôi nổi bàn tán và chỉ trỏ: “Con áo hồng, chọn con áo hồng”. Các sex worker ở đây đa phần đến từ các tỉnh nghèo miền Bắc Thái Lan. Một cô gái với khuôn mặt dày phấn xanh đỏ, có chiếc váy ngắn cộc màu hồng đính số 28 giải thích: “Gia đình tôi rất nghèo. Tôi cần kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng đây không phải cuộc đời tôi”. Cô và hàng ngàn cô gái nghèo khác của Thái Lan ở đường cùng của vòng xoáy nghèo khổ và cám dỗ.

Nhưng điểm đến đặc biệt của nhóm học viên IMMF là các cơ sở chăm sóc người HIV/AIDS Wat Phra Baht Nam Phu (Chùa có dấu chân Đức Phật) trên ngọn đồi ở ngoại ô thành phố cổ Lopburi. Nếu chưa hình dung được địa ngục thì đây chính là địa ngục: bạn sẽ có lối đi thẳng qua khu bệnh viện với hàng trăm người bệnh HIV/AIDS nằm la liệt hai bên. Những tiếng rên la, rì rầm, gào thét, những bộ da bọc xương di chuyển vật vờ như những bóng ma giữa ban ngày. Trong những hình hài thoi thóp với những đôi mắt vô hồn, dường như từ lâu phần người đã rời bỏ họ.

Điểm cuối cùng là một khu vườn yên tĩnh và có một bức tượng lớn mang hình hài một con người đau đớn. Tất cả ngỡ ngàng khi biết rằng bức tượng được làm từ xương của những bệnh nhân ở đây. Xung quanh bức tượng là những bao nhỏ, chất cao quá đầu người. Trong bao cũng là di cốt của những bệnh nhân từng được chăm sóc những ngày cuối đời ở đây...

Hành trình từ Patpong đến Wat Phra Baht Nam Phu là đi từ đắm đuối lạc thú của con người đến điểm cuối cùng là khổ đau và chết chóc. “Đó là cái giá phải trả cho một Thái Lan phát triển du lịch bằng mọi cách. Chúng tôi còn phải trả giá bằng đạo đức của cả một dân tộc”, Jom nói. Và bây giờ ngành du lịch Thái quyết tâm lấy lại đạo đức của dân tộc và trả lại nụ cười cho một nền du lịch sạch sẽ.

Giới chức Việt Nam nhiều lần tuyên bố chưa thấy “du lịch tình dục” tại Việt Nam. Nhưng thực tế, nhiều điểm du lịch bị dư luận công kích quyết liệt khi để nạn mại dâm bùng phát như Sầm Sơn, Quất Lâm, Bãi Cháy... Việt Nam cũng đang tranh luận quyết liệt về việc có nên hợp pháp hóa mại dâm hay có nên quy hoạch những “khu nhạy cảm”, phần mềm quản lý mại dâm... cách nói khác đi của việc thừa những công nhân tình dục như Thái Lan hơn 10 năm trước.

“Mại dâm và dịch bệnh để lại hậu quả lớn hơn nhiều tại các nước nghèo, trình độ quản lý yếu kém, tham nhũng tràn lan... Muốn đẩy lui mại dâm, cũng là đẩy lui dịch bệnh, trước hết phải tạo được việc làm, cuộc sống tốt đẹp cho thanh niên và người dân”, Giám đốc Sarah McLean từng chia sẻ.

Vâng, dù tranh luận và trước khi đưa ra quyết định nào thì hãy một lần tới Wat Phra Baht Nam Phu.

Chu Thường Xuân



from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/2a5JGIj
via IFTTT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét