Do ảnh hưởng của mưa bão, hơn 2 nghìn du khách bị mắc kẹt nhiều ngày trên đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hồi cuối tháng 7/2015 (Tàu hải quân đưa khách mắc kẹt về đất liền)
Du lịch như hành xác
Dù biết đã vào mùa mưa bão song gia đình chị Đặng Mai Thủy (Đống Đa, Hà Nội) cùng ba gia đình khác vẫn quyết định thực hiện chuyến nghỉ “vét” vào đầu tuần qua, trước khi các con đi học trở lại. Địa điểm được lựa chọn là đảo Cô Tô, Quảng Ninh. “Nghe bạn bè ca ngợi hòn đảo này, cả đoàn háo hức lắm. Thế mà đặt chân tới cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) thì nhận được thông báo biển động, tạm thời cấm tàu ra đảo. Chờ tới 15h với hy vọng được đi chuyến tàu “vét” song không được, nên chúng tôi đành phải nghỉ lại qua đêm ở Vân Đồn”, chị Thủy cho biết. Sáng hôm sau, tàu ra Cô Tô vẫn không được phép khởi hành, đoàn chị Thủy đành phải chuyển kế hoạch ra đảo Quan Lạn.
Thật không may, phương án thay thế cũng chẳng mấy suôn sẻ. Hầu hết du khách không ra được Cô Tô đều muốn chen chân lên tàu ra Quan Lạn. “Trời nóng nực, tàu đông, song lên tàu rồi mới biết máy bị trục trặc phải chờ thợ sửa gần 20 phút sau mới khởi hành. Chưa hết, đi được chừng 15 phút thì tàu lại trục trặc, phải dừng giữa biển để sửa tiếp. Giữa biển ai nấy đều sợ hãi, lo lắng nhất cho tụi trẻ con. May sao 10 phút sau thợ máy khắc phục được lỗi, thật hú tim”, chị Thủy kể.
Ra đảo Quan Lạn, đoàn chị Thủy lại vật vã với cảnh chờ phòng. Mọi người càng tiếc hùi hụi khi hay tin, sau khi đoàn mình lên tàu ra đảo Quan Lạn ít phút thì tàu ra đảo Cô Tô lại được phép khởi hành. Chị Thủy nhớ lại: “Khách đi Cô Tô dồn hết sang Quan Lạn nên hết phòng, nhiều đoàn phải vào nhà dân thuê nghỉ. Riêng chúng tôi may mắn có người quen liên hệ giúp, song phải chung hai gia đình một phòng”.
Tuy nhiên, chị Thủy cũng không thể ngờ, chính những du khách được ra đảo Cô Tô chuyến sau đó hiện vẫn đang phải ở lại đảo do ảnh hưởng cơn bão số 1.
Từ tháng 7, không nên chọn đảo phía Bắc để du lịch
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Trong 3 tháng 7, 8, 9, tốt nhất người dân không nên ra đảo khu vực phía Bắc đi du lịch. “Đi du lịch mùa mưa bão nên chọn các tour trên đất liền bởi một khi ra đảo, chỉ có thể đi bằng đường hàng không hoặc đường biển. Nếu mưa bão, thời tiết xấu xảy ra, chắc chắn các phương tiện trên hai tuyến đường này rất dễ bị hủy”, ông Lương phân tích.
Ngay cả đối với những tour trong đất liền, vị chuyên gia cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan trước tình hình thời tiết nguy hiểm, đặc biệt các vùng du lịch miền núi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tắc đường. “Đi du lịch trong mùa mưa bão, không nên leo núi, cắm trại ngoài trời; Lưu ý không di chuyển nhiều bởi thời tiết mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Sét đánh, cây đổ, ngập lụt… Nên mang theo cuốn sổ ghi lại một số địa chỉ khách sạn, nhà nghỉ đề phòng thay đổi kế hoạch khi mưa bão. An toàn nhất, nên dự phòng đồ ăn khô bởi khi sạt lở xảy ra có thể bị cắt đường từ 5-10 ngày mới thông xe là chuyện thường”, ông Lương chia sẻ.
Với kinh nghiệm của mình, ông Lương khuyến cáo: “Trước khi lên kế hoạch cho chuyến du lịch, bạn nên theo dõi sát thông tin dự báo thời tiết , đặc biệt bản tin dự báo trung hạn khoảng 10 ngày. Nếu điểm đến có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa bão, cho dù đã đặt vé, đặt phòng… bạn cũng nên cân nhắc hoãn hoặc hủy. Bởi, di chuyển trong thời tiết bất lợi rất nguy hiểm, chưa kể khi đến nơi, bạn có thể không thăm thú được gì ngoài việc nằm ngủ trong khách sạn. Điều này gây lãng phí thời gian và tiền bạc”.
Theo Báo Giao thông
from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/2a8AAyf
via IFTTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét